Công nghệ Laser đã phát triển đến mức nào?

Ngày đăng: 23-03-2019 | Admin

Laser (viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh “Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation”, có nghĩa là "khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích") là một trong những đóng góp to lớn cho khoa học kỹ thuật trong thế kỷ XX của ngành vật lý. Vào thời điểm được phát minh (năm 1960), laser được gọi là "giải pháp để tìm kiếm các ứng dụng". Từ đó, laser trở nên ngày một phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Là ánh sáng có nhiều tính chất đặc biệt hơn hẳn ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo khác và nhờ ba đặc điểm cực kỳ quan trọng là: có độ đơn sắc lớn, độ kết hợp cao và tính định hướng tốt, laser đã tạo nên cả một cuộc cách mạng sau khi ra đời. Laser được ứng dụng để điều khiển các phản ứng nhiệt hạch, đo đạc trong địa chất, làm mắt đọc đĩa quang CD/DVD, máy in laser, máy quét mã vạch, công cụ trình tự DNA, internet cáp quang, truyền dữ liệu và hướng dẫn phương tiện trong vũ trụ, y học, cơ khí và thẩm mỹ...

Laser ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nghiên cứu ứng dụng laser trong y học bắt đầu từ những năm 1960 để điều trị bệnh bong võng mạc. Laser công suất thấp được sử dụng trong vật lý trị liệu để gây hiệu ứng sinh học; laser công suất lớn gây hiệu ứng đốt dùng trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống. Tia laser là một y cụ giải phẩu tuyệt vời (vi phẩu thuật mắt, các vết trên da, các khối u…); người ta sử dụng tia laser trong châm cứu, để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Laser cũng được ứng dụng trong nhiều ngành khoa học và công nghệ: hoá học, vật liệu bán dẫn; chế tạo vật liệu kim loại; gia công vật liệu; năng lượng; kiến trúc, nghệ thuật… Ứng dụng tuyệt vời của tia laser trong công nghiệp đã không quá xa lạ, từ cắt kim loại, soi rãnh kim loại… cho đến các lĩnh vực như điện, công nghệ thông tin…. Dùng laser để cắt kim loại tạo ra các chi tiết, đường nét, hình khối, họa tiết... có tính chi tiết cao và liên hoàn đã mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp cơ khí và chế tạo máy. Sử dụng máy khắc laser, sẽ gia công được những chi tiết phức tạp và tinh tế, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí nhân lực.

Nhờ vào khả năng làm sạch mép cắt, đường hàn tinh xảo, nét khắc mạnh mẽ, vận hành công suất cao, laser đã dần dần chinh phục và chiếm lĩnh thị trường cơ khí, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý vật liệu, các bộ phận kim loại và phi kim. Tốc độ xử lý cao, bề mặt cắt mịn và dễ dàng lập trình là những ưu điểm mà công nghệ cắt laser đem lại cho ngành này. Laser có thể cắt trên bề mặt kim loại tấm hoặc dạng ống có độ dày khác nhau với tốc độ cực nhanh trên các dụng cụ, bộ phận máy móc thậm chí là phôi cắt có kích thước cực nhỏ.

Laser có thể cắt trên bề mặt kim loại tấm hoặc dạng ống có độ dày khác nhau với tốc độ cực nhanh.

Khả năng xử lí chính xác của máy cắt laser giúp tạo ra những sản phẩm độc đáo có độ tinh xảo cao, cực nhỏ, cực mỏng một cách đơn giản, dễ dàng. Sự ra đời của công nghệ laser đã mở ra một thời kì phát triển vượt bậc trong ngành chạm khắc chế tác kim hoàn trang sức. Trong gia công vật liệu, có thể dùng laser để cắt, khoan, hàn các loại vật liệu đặc biệt là vật liệu cứng và giòn như kim cương, thuỷ tinh, sứ…; kiểm tra khuyết tật, kiểm tra cơ tính, kiểm tra mõi, đo độ cứng thường và độ cứng tế vi, kiểm tra kết cấu kim loại.

Trong công nghệ vật liệu, laser có thể biến cứng bề mặt, làm bóng, hợp kim hoá bề mặt và luyện kim bột. Chúng cũng được dùng để cân bằng động lực cho các động cơ chuyển động với các chi tiết yêu cầu độ chính xác cao không có lệch tâm của chi tiết chuyển động bằng cách cho bay hơi vật liệu thừa. Laser còn được dùng để kiểm tra chất lượng các sản phẩm đúc, kiểm tra độ tinh khiết của chất lỏng, khí, các sản phẩm điện tử; tạo các lớp cách nhiệt bằng cách cắt lớp trong kỹ nghệ hàng không, vi tính; gia công các vật liệu mỏng đặc biệt trong các mạch thích hợp, làm vi mạch điện tử.

Con người dùng tia laser để đo khoảng cách, đo đạc toàn cầu. Trong thông tin liên lạc, nó được dùng để truyền tin trên mặt đất và định vị vệ tinh nhân tạo, điều khiển máy bay cất và hạ cánh… Trong khoa học kỹ thuật, dùng tia laser công suất lớn để “bơm” năng lượng cho môi trường plasma đến nhiệt độ cần thiết trong phản ứng nhiệt hạch và làm giàu uranium. Trong nông nghiệp, có thể dùng tia laser để kích thích tăng trưởng, xử lý hạt giống nhằm tăng tỷ lệ nảy mầm… Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có thể ứng dụng tia laser để phân tích, kiểm tra ô nhiễm môi trường…